Đăng Ký Học
Ngày 16/08/2023 09:23:31, lượt xem: 4058
BÀI 1:
THƠ SÁU CHỮ, THƠ BẢY CHỮ
Văn bản 1:
TRONG LỜI MẸ HÁT
(Trương Nam Hương)
I: Trong bài đọc
1. Khổ thơ này gợi cho em nhớ đến những câu hát ru nào?
Khổ thơ này gợi cho em nhớ đến những câu hát ru:
+ Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời viên quan.
+ Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
+ Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
+ Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
+ Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
2. Điều mà con “nghe” được trong lời mẹ hát ở khổ thơ này có gì khác biệt so với bảy khổ thơ trước đó?
- Điều mà con “nghe” được trong sáu khổ thơ trước đó là vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Còn ở khổ thơ này điều mà con “nghe” lại là lời của mẹ nhắc nhở, động viên con biết nuôi dưỡng ước mơ, cố gắng vì tương lai.
II: Sau khi đọc
1. Xác định thể thơ của bài thơ?
- Thể thơ của bài thơ là tự do
2. Vẽ sơ đồ bố cục của bài thơ. Nét độc đáo của cách bố cục ấy là gì?
3. Chỉ ra nét đặc sắc trong các hình ảnh Chòng chành nhịp võng ca dao và Vầng trăng mẹ thời con gái,/Vẫn còn thơm ngát hương cau.
Nét đặc sắc trong các hình ảnh:
- “Chòng chành nhịp võng ca dao”: Khi người ta nhắc đến chiếc võng thì sẽ dùng từ “đung đưa” nhưng ở đây tác giả lại sử dụng cụm từ “chòng chành” tạo nhịp điệu và làm cho câu thơ có ấn tượng mạnh. Câu thơ còn gợi cho ta về thế giới tuổi thơ với tình yêu thương của mẹ, cho con những tháng năm ngọt ngào như chuyện cổ tích.
- “Vầng trăng mẹ thời con gái,/Vẫn còn thơm ngát hương cau”: hình ảnh vầng trăng nhắc tới thời trẻ của mẹ, vẫn còn thơm ngát hương cau. Tác giả đã nhân hóa mẹ là vầng trăng, vầng trăng thơm ngát hương cau để tô đậm lên hình ảnh của lúc trẻ, là lúc mẹ xinh đẹp nhất, rực rỡ nhất và chính thời gian, sự hi sinh cho con đã khiến mẹ già đi mỗi ngày.
4. Em hình dung như thế nào về hình ảnh người mẹ được miêu tả từ khổ thơ thứ ba đến khổ thơ thứ bảy? Cách khắc họa hình ảnh người mẹ có gì độc đáo?
- Thông qua ngòi bút của tác giả hình ảnh của người mẹ được hiện lên khiến cho độc giả không khỏi ngậm ngùi. Người mẹ ở trong văn bản cũng giống như người mẹ ở ngoài đời thực. Một người yêu quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cuộc sống của mẹ có đầy rẫy những khó khăn, vất vả thế nhưng mẹ luôn yêu thương con, tần tảo hi sinh cho con có được cuộc sống đầy đủ cơm ăn, áo mặc. Thời gian dần trôi mái tóc mẹ đã bạc, tấm lưng mẹ đã còng vì chịu nhiều sương gió. Nhưng, dù vất vả đến đâu mẹ vẫn cố gắng chắt chiu, dành dụm, hi sinh tất cả vì con, mong con khôn lớn nên người.
5. Vần trong bài thơ là vần cách hay vần liền? Dựa vào đâu để xác định như vậy?
Vần trong bài thơ là vần cách: “ngaod - dao”, “xanh-chanh”, “ra - xa”, “nao - cao”....
Để xác định được vần trong bài thơ này chúng ta dựa vào các câu thơ có thể thấy vần không được gieo liên tiếp giữa hai câu thơ mà cách ra một dòng thơ.
6. Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ và cho biết tác dụng của vần, nhịp, cách sử dụng hình ảnh trong công việc thế hiện cảm hứng đó?
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là: xuyên suốt bài thơ là tình cảm của tác giả trước những công ơn trời bể và đức hi sinh của người mẹ dành cho mình. Mẹ đã đưa đến cho con cả “cuộc đời” trong lời hát, mẹ còn làm cho con “đôi cánh” để khi lớn lên con có thể bay cao, bay xa tới mọi vùng miền tổ Quốc. Những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả về người mẹ thật đẹp đẽ biết bao. Cũng chính nhờ tiếng hát của mẹ mà người con hiểu được về cuộc đời đặc biệt là những vất vả, khó khăn và tình yêu thương mẹ dành cho mình.
Tác giả sử dụng vần cách; nhịp 2/4, 3/3; hình ảnh trong công việc đa dạng, gần gũi, bình dị với mọi người. Với cách sử dụng này đã nhấn mạnh lời thơ và tạo ấn tượng cho người đọc. Sự trôi chảy của thời gian làm cho người mẹ cũng già đi. Những vần, nhịp và hình ảnh đã khắc họa tình yêu thương và sự biết ơn của người con đối với mẹ của mình. Để từ đó thấy được tấm lòng biết ơn sâu nặng mà tác giả gửi gắm, muốn hướng người đọc đến lối sống đẹp, vị tha. Lời hứa hẹn đó như trở thành phương châm sống của tác giả luôn hướng về tương lai với niềm hứng phấn ngọt ngào.
7. Theo em, nhan đề Trong lời mẹ hát có vai trò như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của bài thơ?
Theo em, nhan đề Trong lời mẹ hát có vai trò hé lộ và thể hiện tư tưởng, chủ đề của bài thơ. Người đọc hiểu được một phần nội dung tác giả đề cập trong văn bản. Nhan đề trong bài thơ gợi cho con hình ảnh về làng quê, về những trò chơi tuổi thơ, những khó khăn vất vả mẹ hi sinh cho con.
8. Cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ này có gì khác với cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ khác mà em biết?
Cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong bài thơ này khác với cách thể hiện hình ảnh người mẹ trong các bài thơ khác là: tác giả gửi gắm sự yêu thương và biết ơn mẹ bằng cách sử dụng những hình ảnh bình dị, thân thương, mộc mạc. Người mẹ dù tóc đã bạc, lưng đã còng, sức khỏe yếu dần nhưng mẹ luôn bên con, chắp cánh cho con thực hiện ước mơ “bay xa” của mình. Tác giả không trực tiếp nói ra nhưng từng câu, từng hình ảnh lại thể hiện rõ điều đó. Để rồi ta thấy được sự tinh tế của nhà thơ vừa thấy được cái tài của tác giả. Còn đối với các văn bản khác cách thể hiện hình ảnh người mẹ thường được chú ý đến vẻ bề ngoài, ngoại hình, hình dáng.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan